Lịch sử Huguenot

Thập tự giá Huguenot

Trước đó đã có những giáo dân Công giáo Rôma Pháp ủng hộ tư tưởng cải cách như Jacques Lefevre. Những người này đã giành được sự độc lập cho giáo hội tại Pháp trong một thời gian ngắn dựa trên nguyên tắc giáo hội tại Pháp không nên chịu sự kiểm soát của Giám mục thành Rôma, một thế lực ngoại bang.[2] Sau này, những người Huguenot chấp nhận phong trào cải cách của Luther, và cuối cùng là nền thần học Calvin.

Những người Huguenot chia sẻ với John Calvin ý tưởng cần phải có những biện pháp cải cách triệt để chống lại hệ thống tăng lữ, nền thần học thánh lễ và các học thuyết khác của Giáo hội Công giáo Rôma. Họ tin rằng sự cứu rỗi là một hành động của Thiên Chúa, giống như sự sáng tạo là một hành động của Ngài, do đó chỉ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người được chọn mà họ được cứu rỗi. Bản Tín điều Pháp năm 1559 thể hiện rõ lập trường thần học Calvin.[3]

Những người Huguenot chỉ trích Giáo hội Công giáo Rôma về nghi thức thờ phượng, thánh lễ, tượng thờ, sự sùng bái các thánh, hành hương, và hệ thống tăng lữ; họ cho rằng những điều này chẳng giúp ích gì cho sự cứu chuộc linh hồn. Theo quan điểm của họ, đức tin Cơ Đốc nên được thể hiện qua đời sống chính trực và tin kính, vâng phục những giáo huấn của Kinh Thánh và xuất phát từ tấm lòng biết ơn Thiên Chúa.

Có quan điểm giống các tín hữu Kháng Cách vào thời ấy, những người Huguenot tin rằng Giáo hội Rôma cần được tẩy sạch triệt để khỏi những bất khiết, và trong mắt họ Giáo hoàng biểu trưng cho một vương quốc đậm màu thế tục.

Kể từ khi bùng nổ cuộc Cải cách Kháng nghị, người Huguenot bị bách hại trong các giai đoạn khác nhau; Song Francis I (trị vì từ năm 15151547) với chủ trương hoà giải, tìm cách bảo vệ những người Huguenot khỏi những biện pháp của Quốc hội nhằm tiêu diệt họ, cho đến khi xảy ra vụ Affair of the Placards trong năm 1534, khi xuất hiện những bích chương đả kích Giáo hội Công giáo, nhà vua thay đổi thái độ.

Con số thành viên Huguenot tăng nhanh trong quãng thời gian từ năm 1555 đến năm 1562, phát triển mạnh trong giới quý tộc và thị dân. Trong giai đoạn này, những người chống đối gọi họ là Kháng Cách Huguenot; nhưng họ tự nhận mình là những người chủ trương cải cách. Giáo hạt đầu tiên của họ được thành lập năm 1558 tại Paris.

Đến năm 1562, theo ước tính tổng số thành viên Huguenot ít nhất là một triệu người, quy tụ ở miền nam và khu vực trung tâm của đất nước. Cộng đồng Huguenot tại Pháp khi đang ở đỉnh điểm lên đến hai triệu người trên mười sáu triệu giáo dân Công giáo vào lúc ấy.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Huguenot http://books.google.de/books?id=xcm834dkOrsC&pg=PA... http://www.amazon.fr/dp/2841000869 http://www.state.gov/g/drl/rls/irf/2004/35454.htm http://www.celticcousins.net/ireland/huguenotpensi... http://www.creeds.net/reformed/frconf.htm http://www.ambafrance-rsa.org/HTML/ThisIsFrance/Po... http://www.hhs-newpaltz.org/ http://www.hrvh.org/collections/inst-intro.htm?ins... http://www.huguenotsocietyofamerica.org/history.ht... http://www.newadvent.org/cathen/07527b.htm